Sunday, August 31, 2014

Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản: Cẩn thận “chiêu” lừa mới

Lợi dụng một số chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản (của Bộ LĐ-TB&XH), tại một số địa phương, bắt đầu xuất hiện hình thức lừa đảo mới với những người lao động (NLĐ) chưa được cập nhật chính sách.

Lao động Việt Nam làm việc một nhà máy ở Kagawa-Hokto, Nhật Bản. Ảnh: Phạm Dũng

Lừa sinh viên mới ra trường

Nắm bắt thực tế sinh viên vừa ra trường đang có nhu cầu về việc làm, một số cá nhân, tổ chức “tung quân” để chiêu dụ sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản. Chị L.T.Hảo, quê ở Bắc Giang, vừa nhận bằng cử nhân điều dưỡng tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên cho PV biết: “May được người nhà cảnh báo, nếu không vừa rồi tôi đã nộp 5.500 USD cho một Cty ở Hải Phòng để đăng ký đi Nhật Bản làm hộ lý”.

Theo chị Hảo, có hai người xưng là nhân viên của Cty Cổ phần du lịch và Dịch vụ dầu khí Hải Phòng (đi cùng hai người Nhật Bản) đến Đại học Y dược Thái Nguyên để tuyển sinh viên đi làm hộ lý.

“Để được tham gia chương trình, sinh viên phải nộp bằng tốt nghiệp đại học bản gốc và đóng khoản phí 5.500 USD. Thấy nghi ngờ, tôi điện thoại cho người thân để hỏi. Hoá ra, chương trình tuyển chọn sinh viên đi làm điều dưỡng, hộ lý do một đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH được phép triển khai, không bắt buộc phải nộp bằng đại học bản gốc”, chị Hảo kể.

Không riêng chị Hảo phản ánh mà gần đây, qua đường dây nóng, PV Tiền Phong nhận được nhiều đơn thư “tố” một số cá nhân, tổ chức công khai đứng ra tuyển chọn, thu tiền của nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng y dược để đưa sang Nhật. Tuy nhiên, qua số điện thoại được NLĐ cung cấp, PV không liên lạc được.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục công bố chương trình tuyển chọn lao động 19 tỉnh tham gia chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Sau khi công bố (Bộ LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm Lao động Ngoài nước thực hiện - PV), nhiều “cò mồi” còn liều lĩnh xuất hiện tại một số tỉnh không được tham gia chương trình (như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) để lừa tiền NLĐ. Vì cả tin, nhiều lao động đã đưa cho “cò mồi” hàng trăm triệu đồng, đến nay chưa lấy lại được.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình tuyển chọn điều dưỡng và hộ lý làm việc tại Nhật Bản do Cục trực tiếp tuyển chọn; còn chương trình tuyển chọn lao động 19 tỉnh tham gia thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản do Trung tâm Lao động Ngoài nước thực hiện. “Ngoài hai đơn vị trên, không một cá nhân, tổ chức nào được phép”, ông Quỳnh nói.

Điều kiện nào được đi Nhật?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước cho biết, có 19 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp) được phép tham gia chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.

Mỗi tỉnh được giới thiệu 80 người tham gia khóa đào tạo trước khi tuyển chọn. Lao động đủ điều kiện tham gia chương trình được gọi là thực tập sinh, được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian 3 năm.

NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp 80.000 yên/tháng (khoảng 16 triệu đồng) trong thời gian tu nghiệp (1 tháng đầu) và hưởng lương theo hợp đồng ký với Cty tiếp nhận Nhật Bản trong thời gian thực tập kỹ thuật với mức tối thiểu trong năm thứ nhất và thứ hai 90.000 yên/tháng, năm thứ ba 100.000 yên/tháng.

Ngoài ra, còn được bảo hiểm trong thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng hạn, sẽ được Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IM Japan) hỗ trợ 600.000 yên/người để khởi nghiệp.

Theo ông Minh, điều kiện đăng ký dự tuyển là nam giới (tuổi từ đủ 20 đến 30), tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên, cao trên 1,60m; không xăm mình, không bị tật nguyền, dị tật, không sẹo; không bị cận thị, nhược thị, rối loạn sắc giác; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; có đạo đức tốt, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án....

“Các ứng viên tham gia chương trình sẽ phải trả chi phí đào tạo dự bị, ăn, ở trong thời gian tham dự các khóa đào tạo; chi phí khám sức khỏe, làm visa. Các chi phí về đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh sẽ do IM Japan đài thọ”, ông Minh cho biết. Trong khi đó theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản (do Cục Quản lý Lao động Ngoài nước triển khai): Ứng viên điều dưỡng sẽ tạm trú ở Nhật 3 năm; hộ lý tạm trú 4 năm.

Nếu được tuyển, các ứng viên sẽ được đào tạo miễn phí 12 tháng tiếng Nhật (được cung cấp chỗ ăn, ở và sinh hoạt miễn phí). Khi làm việc tại Nhật, mức lương của điều dưỡng từ 34-37 triệu đồng/tháng; hộ lý khoảng 37-40 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoan phụ cấp tương ứng với hiệu quả làm việc.

Theo Tiền Phong

Thursday, August 28, 2014

Không gia hạn giấy phép 3 công ty XKLĐ sang Đài Loan

Tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, mới đây 3 công ty XKLĐ của Việt Nam đã bị Bộ Lao động Đài Loan không gia hạn giấy phép đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan do tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng trong 3 tháng đầu sau khi nhập cảnh Đài Loan kể từ ngày 6/1/2013 cao hơn mức quy định của Đài Loan.

VietCom: Phiên bản phần mềm quản lý XKLĐ thị trường Nhật Bản
Đó là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại và Hợp tác nhân lực quốc tế Việt Nam (VINAINCOMEX., JSC), Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (VINAMOTO), Tổng Công ty Vận tải Thủy- Công ty TNHH một thành viên (VIVASO.,LTD).

Để nâng cao chất lượng lao động sang làm việc tại Đài Loan, hạn chế thấp nhất tỷ lệ người lao động bỏ hợp đồng, tránh tình trạng không được Bộ Lao động Đài Loan gia hạn giấy phép đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan, Cục QLLĐNN đã có văn bản yêu cầu các DN nghiêm túc chấn chỉnh công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh; rà soát lựa chọn hợp đồng có điều kiện tốt và Công ty môi giới có uy tín để hợp tác; thực hiện đúng quy định và kiểm soát chặt chẽ việc thu phí đối với người lao động; làm tốt công tác quản lý lao động và giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phát sinh đối với người lao động làm việc tại Đài Loan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.


Theo CAND Online

Thursday, August 21, 2014

Người Việt ồ ạt đổ sang Nhật

Nếu như những năm trước, Việt Nam (VN) đưa khoảng 8.000 lao động (LĐ) sang thị trường Nhật Bản (NB) thì năm 2014, dự kiến sẽ đạt con số kỷ lục với khoảng 10.000-12.000 người sang thị trường này.


Hiện Nhật đang cần khoảng 70.000 LĐ để phục vụ các công trình thể thao Olympic 2020, các đơn hàng trong lĩnh vực công nông nghiệp được mở rộng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho LĐ VN, bởi Nhật có mức tiền lương tốt, các chế độ đãi ngộ ở mức cao...

Lương tối thiểu từ 25 triệu đồng/tháng


Mấy hôm nay, chị Nguyễn Minh Lý (quê Nghệ An) tất tả chuẩn bị hồ sơ nộp vào Công ty (CT) Esuhai với mong muốn được sang Nhật làm thợ làm bánh. Gặp chúng tôi, chị hồ hởi: "Trước đây, tôi đã từng làm thuê ở một số tiệm bánh ngọt và quán ăn Nhật tại TP.HCM. Vừa rồi, qua bạn bè tôi được biết CT Esuhai thông báo các doanh nghiệp (DN) Nhật đang có nhu cầu tuyển nhiều LĐ nữ sang làm việc một năm với mức lương tối thiểu 25 triệu đồng/tháng (chưa kể làm thêm), được bảo hiểm theo quy định pháp luật NB. Thời gian làm việc tám giờ/ngày, nghỉ trưa 45 phút. Các ứng viên không phải đóng tiền ký quỹ, không thế chấp tài sản khi đi, nên tôi vội vã đăng ký ngay".
Theo chị Lý, ở VN, công việc của chị thì lương cao nhất cũng tầm bảy-tám triệu đồng/tháng nên khi biết thông tin này chị tràn đầy hy vọng: "CT sẽ dạy tiếng Nhật cho người LĐ trong vòng sáu tháng, ngoài ra tôi sẽ được đào tạo ý thức phát triển nghề nghiệp, phong cách chuyên nghiệp trong công việc, bồi dưỡng tay nghề. Dự kiến tháng 3/2015 tôi sẽ xuất cảnh. Tôi sẽ cố gắng hết sức để được DN tuyển dụng".

Tương tự chị Lý, anh Lê Văn Tú (quê Quảng Ngãi) cũng đã đăng ký đào tạo tiếng Nhật tại một DN ở Q.Tân Bình để được phỏng vấn. Anh Tú nói: "CT cho biết thời gian hợp đồng khoảng ba năm, phía đối tác yêu cầu có kinh nghiệm hàn, làm việc chăm chỉ, chịu khó, khéo léo, sống hòa đồng, có trách nhiệm với công việc, biết tiếng Nhật nên tôi nghĩ mình sẽ đáp ứng được. Lương cơ bản phía đối tác cho biết gần 30 triệu đồng/tháng, nếu được chọn xuất cảnh, sau ba năm tôi có thể tích lũy từ 600-800 triệu đồng. Tôi chọn thị trường NB chứ không phải thị trường khác vì ngoài thu nhập, NB có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại, giúp tôi tiếp xúc, học tập, sử dụng các công nghệ cao, trang bị thêm kiến thức cho bản thân".

Đơn hàng tăng từ 30-40%


Từ đầu năm đến nay, CT Esuhai liên tục tuyển dụng mới, đào tạo sẵn để kịp đáp ứng đơn hàng cho phía đối tác Nhật. Ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc CT Esuhai, cho biết: "Sáu tháng đầu năm 2014 đã có trên 500 LĐ do Esuhai tuyển chọn trúng tuyển sang Nhật (tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái). Chúng tôi phải tuyển học viên đào tạo liên tục vì mỗi tuần, mỗi tháng đều có đơn tuyển từ phía đối tác và họ trực tiếp sang VN để phỏng vấn. Hiện CT đang có 1.050 học viên theo học và không bị động đơn hàng".

Theo ông Sơn, trong tháng Tám và các tháng tiếp theo, DN Nhật có nhu cầu tuyển LĐ nữ sang NB làm việc một năm với các công việc: làm bánh, lắp ráp điện tử, cắt tỉa rau củ, trang trí món ăn... LĐ sẽ được hưởng mức lương tối thiểu 25 triệu đồng/tháng (chưa kể làm thêm nếu có), bảo hiểm theo quy định pháp luật NB. Ngoài ra, CT Esuhai đang tuyển nhiều LĐ bậc cao cho các ngành thiết kế ô tô, cơ khí.

"Nhu cầu sử dụng LĐ VN của NB đang tăng đột biến, đặc biệt là LĐ xây dựng phục vụ các công trình thể thao Olympic 2020. Hiện đã có một số tập đoàn, nghiệp đoàn uy tín trong lĩnh vực xây dựng như Taisei, Kazima đặt vấn đề với chúng tôi để tuyển LĐ các ngành trang trí nội thất, điện lạnh, giấy dán tường...", ông Sơn nói.

Khảo sát mức lương trong lĩnh vực xây dựng, đại diện Ban quản lý LĐ VN tại Nhật - cho biết, lương cơ bản của LĐ phổ thông tại Nhật trong ngành xây dựng khoảng 30 triệu đồng/tháng (chưa tăng ca), riêng kỹ sư trên 40 triệu đồng/tháng.

Điều này lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Có người đã đổ bệnh vì lạm dụng làm thêm. Cho nên, người LĐ phải biết chi tiêu có kế hoạch và tiết kiệm, phải tôn trọng kỷ luật LĐ, nội quy của DN, phong tục tập quán của nước sở tại, cập nhật thông tin về trách nhiệm và quyền lợi của mình...

Tương tự, bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên CT TNHH dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco) cho biết: "Hiện nhiều đối tác Nhật đặt hàng cho CT tuyển dụng các ngành cơ khí, hàn, xây dựng, nhựa công nghiệp, điện, điện tử, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, may mặc, nông nghiệp... Trung bình hàng tháng chúng tôi đều có khoảng hai-ba đợt phỏng vấn tuyển dụng thực tập sinh kỹ năng đi thực tập tại Nhật, số đáp ứng được yêu cầu của đối tác chiếm trên 95%".

Ông Trần Xuân Từ, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của CT Cổ phần Thương mại tổng hợp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Getraco) thông tin: "Năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ có sự bùng nổ về nguồn nhân lực xây dựng và một số ngành nghề khác sang làm việc tại Nhật. Chúng tôi và nhiều CT xuất khẩu LĐ khác đã và đang tìm cách tạo nguồn, đón đầu cơ hội này. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề chế biến thực phẩm, hải sản, may mặc, giặt ủi, xây dựng... sang Nhật của CT tăng 30%".

Tăng thời hạn lưu trú, nới rộng ngành nghề


Một số chuyên gia và CT xuất khẩu LĐ nhận định năm 2013-2014, kinh tế NB khởi sắc, giai đoạn này mối quan hệ NB-Trung Quốc lại "không tốt đẹp lắm" nên thị trường này giảm LĐ Trung Quốc, thay thế bằng LĐ nước khác, trong đó có VN. Hiện thu nhập bình quân của người LĐ làm việc tại NB khoảng từ 80.000 - 100.000 yên/tháng (tương đương khoảng 22 - 28 triệu đồng/tháng, tùy từng công việc. Riêng kỹ sư, chuyên gia VN tại NB mức lương bình quân khoảng 250.000 yên/tháng (khoảng 3.000 USD), được cung cấp nhà ở, điện nước và các tiện nghi sinh hoạt như bếp gas, tủ lạnh, lò sưởi...

Theo Ban quản lý LĐ VN tại Nhật, Chính phủ Nhật đã đồng ý tăng thời hạn lưu trú cho người LĐ xây dựng từ 3 năm lên 5 năm và có hiệu lực vào giữa năm 2015. Ngoài ra, những thực tập sinh đã hết hạn ba năm và về nước trên một năm được phép quay trở lại NB thực tập tiếp thêm một hợp đồng ba năm nữa (theo quy định cũ, thực tập sinh nước ngoài hết hạn về nước không được phép quay lại NB với cùng tư cách lưu trú thực tập sinh).


Mức lương của thực tập sinh trong lĩnh vực xây dựng đã về nước được quay lại NB làm việc sẽ cao hơn lần đi trước. Ngoài ra, năm nay, Nhật cũng đã mở rộng chuyển hướng tuyển dụng nhiều LĐ VN làm nông nghiệp trong các công xưởng, các hộ gia đình...

Có thể thấy, đây là cơ hội tốt để các DN VN đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu LĐ hấp dẫn này. Dù vậy, sẽ phát sinh nhiều phức tạp, rủi ro cho người LĐ nếu DN chạy theo đơn hàng mà không thực hiện kỹ khâu tuyển chọn, tạo nguồn, đào tạo LĐ, giáo dục định hướng để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra như ở một số thị trường khác thời gian qua.

Theo PNO