Thursday, July 26, 2012

Tôi 24 tuổi, bốn lần khởi nghiệp thì ba lần thất bại

Đã có lúc tôi nảy sinh suy nghĩ: “Hay là mình sẽ tìm kiếm một công việc nào đó ổn định, có thu nhập hàng tháng, lúc đó tôi sẽ lại chân trong, chân ngoài để kiếm thêm và gây dựng sự nghiệp ?”

Có những lúc tưởng chừng như thất bại ê chề đã nhấn chìm tôi. Tôi thấy mình là một thằng vô dụng. Năm lần bảy lượt cầm tiền của gia đình để làm ăn mà vẫn không thể thành công nổi. Tôi bắt đầu hoài nghi về những cuốn sách tôi đã đọc, về thành công, về làm giàu, về lập nghiệp, tất cả chúng chỉ là những loại kiến thức sáo rỗng, thiếu thực tế và dành cho những kẻ mơ mộng, mù quáng? 

Tôi lại càng thêm hoang mang khi nhìn những người cùng trang lứa đã ổn định vào những công việc được gia đình thu xếp sẵn, có những vị trí rất tốt và có tương lai. Trong tôi bắt đầu nảy sinh suy nghĩ: “Hay là mình sẽ tìm kiếm một công việc nào đó ổn định, có thu nhập hàng tháng, lúc đó tôi sẽ lại chân trong, chân ngoài để kiếm thêm và gây dựng sự nghiệp”. Tôi đi hỏi những người lớn tuổi để được tư vấn thêm, và tất cả đều cho tôi một lời khuyên: công việc ổn định. 

Vốn là một đứa cứng đầu, tôi vẫn không thể chấp nhận được phương án đó. Tôi tự hỏi mình rằng: “Nếu mình vẫn đi những con đường giống người khác đã đi, liệu mình có thể đến đích của thành công hay vẫn chỉ đến cái đích giống như những người khác?” 

Tôi tự huyễn hoặc mình rằng biết đâu thành công đang ở rất gần, chỉ vài bước nữa thôi là mình có thể chạm đến con đường ngắn nhất dẫn vào nó. Biết đâu nếu mình quay đầu lại và đi con đường như những người khác, mình sẽ làm lại từ đầu và không bao giờ tìm thấy thành công nữa. Đó là động lực giúp tôi đứng dậy và khởi nghiệp lần nữa. 

Nhưng lần khởi nghiệp này khác với những lần trước. Đó là lúc kinh tế gia đình khó khăn, là lúc tôi không có bất kỳ một đòn bẩy tài chính nào hỗ trợ nữa. Tôi bắt đầu từ hai bàn tay trắng hoàn toàn. Lúc đó, tôi đã nhìn lại mình một cách kỹ càng, đánh giá thế mạnh, điểm yếu của bản thân (SWOT). Thôi mơ mộng viển vông, thôi vẽ vời những mục tiêu dài hạn, tôi đặt ra mục tiêu thực dụng nhất và cần thiết nhất: làm sao để có tiền, để có thể vượt qua thời khắc khó khăn này. 

Như vậy tôi đã 4 lần khởi nghiệp bằng những công việc khác nhau trong đó 3 lần đã thất bại. Ở lần thứ 4 này tôi đã có thể nuôi sống doanh nghiệp của mình, tôi đã có thể góp một phần nhỏ vào để trang trải khó khăn cho gia đình, tôi đã có một đội cùng tôi đồng hành để tìm kiếm thành công. 

Giờ nhìn lại tôi thấy mình có những sai lầm sau:

Hiếu thắng: Sống trong sự bảo bọc của gia đình từ nhỏ, thiếu sự va vấp và sinh hoạt cộng đồng. Điều đó làm cho cái tôi của tôi rất lớn. Luôn bảo vệ quan điểm cá nhân và hiếu thắng, thiếu sự lắng nghe ý kiến của người khác. Luôn ghét phải nhận những lời chỉ trích về bản thân mình. Tôi không dám nghĩ mình đã là một người như thế. 

Thiếu sự nỗ lực, quyết tâm: Cầm tiền gia đình đi khởi nghiệp. Số tiền đó không phải là một con số lớn lắm. Nếu thất bại, số tiền mất đi cũng không phải là nhiều. Chính điều đó làm cho tôi thiếu một sự nỗ lực, quyết tâm cần phải có. Thất bại có vẻ nhẹ nhàng khi trong đầu mình có những suy nghĩ kiểu như nếu có thất bại thì cũng chỉ mất một ít tiền, bù lại mình sẽ học được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Lãng phí thời gian: Chính vì thế mà tôi lãng phí thời gian hơn. Tôi không tận dụng mọi lúc có thể để gây dựng và phát triển mà lãng phí vào việc lên mạng, tham gia vào những cuộc tranh cãi vô bổ. 

Chọn sai người đồng hành: Mỗi lần khởi nghiệp, tôi chọn cho mình một người đồng hành. Cứ nghĩ rằng những người anh em tốt của nhau thì khi làm việc cùng nhau sẽ hiểu nhau hơn và đạt được hiệu quả hơn. Nhưng sự thực không phải thế.

Nói nhiều hơn là làm: Do đó chúng tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện, “chém gió” hơn là lao vào công việc để gặt hái thành công. 

Không có mục tiêu ngắn hạn mà chỉ có mục tiêu dài hạn: Chúng tôi ngồi vẽ cho mình những ý tưởng xa vời mà một khi nó thành công, chúng tôi sẽ có cơ hội đổi đời. Nhưng cái trước mắt, cái sẽ giúp chúng tôi sống được đến khi thành công thì lại lười nhác, đùn đẩy nhau để làm. 


Nhưng chính những thất bại đã cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm và giúp mình trở nên chín chắn hơn. 

Thành công không đến với những kẻ lười: Giả sử cái đích thành công cách mình một ngàn kilomet, nếu mỗi ngày chúng ta bước được một mét, vậy sau bao lâu thì chúng ta có thể chạm vào thành công? Tôi cố gắng tiết kiệm thời gian, nỗ lực và làm việc chăm chỉ. Hy vọng mình có thể đi với tốc độ nhanh hơn. 

Chọn người đồng hành: Tôi tránh những người ngại khó, ngại khổ, những người thiếu quyết tâm và lười nhác. Tôi chọn cho mình những người cùng nhìn về một hướng và cùng nhau chèo lái, để đẩy con thuyền đi với vận tốc nhanh hơn nữa.

Mục tiêu ngắn hạn: Chúng tôi lên cho mình những mục tiêu ngắn hạn có thể giúp nuôi sống doanh nghiệp, trang trải chi phí hàng ngày. Từ đó chúng tôi sẽ có tiền để đầu tư vào các mục tiêu dài hạn. 

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi cũng không biết chắc rằng liệu mình sẽ thành công hay thất bại tiếp. Nhưng sau tất cả, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều và tôi không sợ thất bại nữa. Nếu như tôi tiếp tục thất bại, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ thất bại vì những lý do cũ và sẽ dám nghĩ, dám làm và làm việc hết mình cho mục tiêu mà mình theo đuổi. 

Tôi xin trích lại câu nói mà mình thấy tâm đắc và thấy được mình trong đó: “Bạn sẽ không bao giờ biết được mình mạnh mẽ thế nào cho đến khi trở nên mạnh mẽ là sự lựa chọn duy nhất mà bạn có!”

Đồng Quang Trọng

Thursday, July 19, 2012

Bạc như nghề... lập trình

Đam mê, kỳ vọng và cả mơ ước vào nghề lập trình viên, nhưng rồi sau 15 năm hoài bão, nhiều sinh viên CNTT ngày ấy bây giờ đã phải nghĩ khác.

Nghề lập trình viên phần mềm ngày một ít được quan tâm vì lý do thu nhập.
Bỏ code đi sale

Được biết đến như một trong những 8x thế hệ đầu đam mê coding (lập trình phần mềm), sau vài năm gặp lại, thật bất ngờ khi bỗng dưng thấy Hoàng nhảy sang vai trò kinh doanh thực phẩm - vốn chẳng ăn nhập với những gì anh được học.

Hoàng cho biết: "Những năm 98-99 là thời kỳ bùng nổ Internet và vì thế nghề lập trình cũng lên nhanh, lên cao. Ai cũng nhìn vào Yahoo, Microsoft để định hướng nghề nghiệp cho mình và lao vào học code để mong đổi đời nhờ công nghệ. Nhưng sự thật nào đã hẳn như vậy".

Những người thuộc "thế hệ phần mềm" như Hoàng không phải hiếm bởi thời điểm đó trước hàng loạt cơ hội về việc lập trình, bán phần mềm, xuất khẩu mã nguồn với mức lương vài trăm USD/tháng quả là đáng mơ ước khi mà thu nhập thực lĩnh tại các đơn vị khối nhà nước lúc đó chỉ vài trăm ngàn.

Vậy mà giờ đây, thứ duy nhất Hoàng còn giữ được cho mình sau quãng thời gian làm lập trình viên chính là khả năng tư duy logic để áp dụng vào việc điều phối kinh doanh cửa hàng thực phẩm của gia đình.

Không như Hoàng, Quang Dũng, sinh năm 83 từng có 5 năm tu nghiệp tại Hà Lan, sau khi về nước đã được vào ngay một tập đoàn làm đúng nghề IT, phụ trách lập trình mạng core. Vậy nhưng, chưa đến 2 năm, Dũng đã phải "lướt" khỏi công ty sau khi hoàn thành thêm 1 bằng MBA theo diện liên kết đào tạo trong nước để rồi giờ làm việc cho một công ty chuyên về hoá mỹ phẩm dưới vai trò quản lý marketing.

Dũng chia sẻ: "Cái tuổi 20 vào những năm 2002 nhìn thị trường phần mềm thì màu mỡ lắm. Nào lập trình cho các dự án tin học hoá chính phủ, xuất khẩu phần mềm hay mở các công ty gia công tư nhân là đủ sống. Nhưng thực tế nào phải vậy khi vào công ty nhà nước làm với những tư duy nặng nề khiến rất khó để triển khai một dự án phần mềm nội bộ chứ đừng nói lập trình để đem bán. Thu nhập một tháng của kỹ sư phần mềm cố lắm mới được gần 6-7 triệu, đấy là bao gồm cả làm thêm ngoài thì sống sao nổi".

Học hành chuyên ngành, đào tạo bài bản như Dũng, Hoàng đã khó bám nghề, thì với những tay ngang học lập trình từ các trung tâm đào tạo chứng chỉ lại càng khó khăn hơn.

Duy Anh, học viên một trung tâm đào tạo có tiếng ở Yết Kiêu cho biết: "Ở trung tâm em được đào tạo toàn kiến thức thời thượng, với ngôn ngữ lập trình mới, hệ thống cập nhật. Tuy nhiên thì giữa việc học và việc đem ra ứng dụng lại khác xa nhau và nếu học xong cũng chỉ kiếm được công việc đủ sống bằng nghề code, chứ nếu muốn giàu thì quả là viễn tưởng".
Anh Dương Hoàng Anh, giám đốc một công ty có nhu cầu xây dựng phần mềm website thông tin điện tử cho biết: "Nếu thuê một công ty có tiếng thiết kế từ CMS đến giao diện sẽ tốn chi phí lần đầu cả trăm triệu, thậm chí hơn, và chưa kể phí bảo trì, nâng cấp hàng năm. Trong khi nhu cầu cần đánh nhanh thắng nhanh, và qua khảo giá tôi thấy nhiều nơi rao bán các phần mềm CMS, crawler tin tức tự động chỉ... 10 triệu bao luôn thiết kế giao diện".

Việc phá giá, giành khách của các dân coder phát sinh khá nhiều trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây, nhất là tại các thời điểm suy thoái, lạm phát. Công tác ở các công ty phần mềm khó sống, nhiều lập trình viên "bứng" mã nguồn mình có ra ngoài làm riêng để rồi phá giá thị trường và dẫm lên nhau như tình trạng trên.

Từ đó, tạo nên một bộ mặt khá nhộn nhạo của nghề lập trình viên và lĩnh vực kinh doanh phần mềm nói chung, khiến nhiều doanh nghiệp Việt khi muốn chọn giải pháp lại loay hoay mua của... nước ngoài.

Gỡ mãi không ra

Một điều dễ nhận thấy, các cơ sở đại học trong nước hiện nay khi đào tạo ngành nghề CNTT thường chỉ chung chung và phân mảng với đủ thứ từ coding cho đến cả networking, khiến sinh viên nếu muốn vững nghề phải học thêm tại các trung tâm bên ngoài như Aptech, Cisco, Oracle.

Lập trình ứng dụng di động đang là mảnh đất màu mỡ nhưng vẫn bị bỏ ngỏ tại Việt Nam.
Mặt khác, chính việc đánh giá không đúng vai trò của lập trình viên trong một bộ máy công ty khiến nhiều kỹ sư phần mềm khi ra trường vào làm được vài ba tháng là rơi vào tình trạng bất mãn, chán nghề.

Trung Anh, kỹ sư phần mềm tại một công ty nhà nước cho biết: "Em may mắn gia đình có quan hệ nên gá được vào công ty làm ở phòng IT, vị trí lập trình. Vậy mà đang ngồi code thì bị gọi sang phòng hành chính cài lại Windows, lúc thì bị điều lên phòng kế toán quét virus. Đám lập trình em cứ như chân sai vặt khắp công ty, trong khi dự án về Văn phòng điện tử em đang phát triển thì sếp bảo dừng vì không có kinh phí triển khai".

Trong một diễn biến khác, nhiều công ty phần mềm cũng đang trong tình trạng sống dở, sống khó giữa cơn bão suy thoái mặc dù chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Từ đó tạo nên một thực trạng yếu kém về cơ chế dành cho các lập trình viên với mức thu nhập thấp, ít đãi ngộ và không tạo điều kiện để đào tạo và nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức mới - vốn là yếu tố tối quan trọng đối với nghề code.

Tại diễn đàn VietNam ICT Summit 2011, khi một câu hỏi từ phía doanh nghiệp đặt ra với các diễn giả về việc các đơn vị phần mềm thì không có vốn, không có tài sản thế chấp, chỉ có chất xám thì khi muốn đầu tư, mở rộng kinh doanh để xuất khẩu phần mềm vay tiền được ở đâu đã thành một câu hỏi khó và không có lời giải.

Từng giành được nhiều giải thưởng lập trình Tin học trẻ cho đến Trí tuệ Việt Nam 2002 từ năm lớp 7, lập trình viên Bùi Xuân Dũng hiện đang công tác ở Nhật cũng cho biết chưa có dự định về Việt Nam bởi để sống với nghề lập trình trong nước là rất khó.

Đối với các lập trình viên trong nước, bên cạnh việc tự học hoặc tham gia vào các khoá đào tạo chứng chỉ thì mục tiêu xin việc tại các công ty phần mềm khá mơ hồ vì lý do thu nhập. Vì vậy, số đông đều chọn giải pháp là vào các công ty phần mềm nước ngoài, chấp nhận mức lương vừa đủ sống và tham gia coding các dự án được giao thay, chấp nhận cày cuốc ngày đêm với những mã lệnh chứ không kỳ vọng gì hơn ở nghề lập trình vốn một thời là nghề "hot". 

Võ Trung
Vietnamnet

Tuesday, July 3, 2012

Những phố trà chanh 'hot' nhất Hà Nội

Tối mùa hè, các quán trà chanh trên phố Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Đào Duy Từ... lại đông nghịt khách. Vỉa hè, lòng đường, vườn hoa đều trở thành nơi để giới trẻ ngồi hóng mát, tán gẫu.

Từ một quán nhỏ trên phố Đào Duy Từ, trà chanh đã phổ biến khắp phố phường Hà thành như quanh khu Nhà thờ Lớn, cung Thiếu nhi, Chợ Gạo, Ngã Tư Sở, phố Huế... Chỉ với mấy ly trà chanh, giới trẻ có thể ngồi cả buổi để tán gẫu đủ chuyện.

Trà chanh khu vực Nhà thờ Lớn, Lý Quốc Sư thường được giới trẻ tập trung đông nhất bởi đây là vị trí trung tâm, rộng rãi, thoáng đãng.

Những nguyên liệu làm món trà chanh gồm bột trà, chanh cắt lát, hương liệu, đường và đá. Trước đây, trà chanh được pha chế bởi nước trà xanh nhưng vì lượng khách ngày một đông nên hiện nhiều quán chuyển sang sử dụng bột trà và hương liệu sản xuất từ Trung Quốc.

Vỉa hè các con phố về đêm thường trở thành địa điểm kinh doanh trà chanh bởi hầu hết các gian hàng mặt đường thường đóng cửa vào 20-21h, xe cộ qua lại cũng vắng hơn.

Một góc trà chanh khu vực chợ Gạo về đêm.

Nhiều hotgirl cũng thích uống trà chanh vỉa hè.

Không chỉ trong trung tâm thành phố, trên nhiều tuyến đường mới mở, các quán trà chanh cũng đua nhau mọc lên.

Vườn hoa dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở tối nào cũng có hàng trăm người ngồi uống trà chanh.

Mặc dù đã bị đóng cửa nhiều lần nhưng hơn chục quán trà chanh ở đây vẫn hoạt động. Mỗi quán luôn có 2-3 nhân viên đứng ra gần giữa lòng đường chèo kéo khách.

Bàn ghế và khách ngồi tràn kín vỉa hè, vườn hoa, còn xe máy xếp thành hàng dài dưới lòng đường.

Một biển hiệu trà chanh nhỏ bé bị quây kín bởi xe và người.
Theo vnexpress

Có thể tham khảo cách pha trà chanh tại đây.

 

Gặp "đối thủ" của trà chanh Đào Duy Từ

Tiệm trà chanh Đào Duy Từ khét tiếng trong giới teen giờ đây đã có một "đối thủ" nặng kí, nằm ngay ở phố Chợ Gạo cạnh đó.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng lượng khách của quán này đang ngày một hùng hậu, "khủng" không kém quán chè Đào Duy Từ. Đặc biệt là tối đến, bạn sẽ bắt gặp cảnh nhấp nhô chen chúc, rôm rả suốt dọc con phố ngắn ngủi chưa tới 100m này.


Không chỉ bắt chước biển hiệu "Trà chanh" và có bán các loại chè tương tự, nơi đây tất nhiên cũng phải tạo những nét riêng cho mình thì mới có thể thu hút. Chính vì vậy, họ sáng tạo thêm khá nhiều món chè hấp dẫn, mới lạ. Nên về độ phong phú, có thể nói là quán chè Chợ Gạo còn nhỉnh hơn ở Đào Duy Từ vài phần. Có thể điểm qua và giới thiệu cho bạn vài món chè nổi bật sau:

1. Chè đậu xanh

Không đơn điệu như món chè đậu xanh cổ truyền, bát chè đậu xanh ở đây nhìn qua đã thấy "ngon mắt" hơn nhiều, có dừa tươi, dừa khô, chuối sấy và đặc biệt là lớp đỗ xanh đặc sệt, lấm tấm cả vỏ đỗ như minh chứng cho một loại đỗ xanh "hảo hạng, độc quyền". Nếu là người thích thưởng thức cái vị đỗ xanh bùi bùi, đậm đặc rõ rệt thì chè đậu xanh ở đây đúng là "số 1" cho bạn. Dù cho có bỏ bao nhiêu đá vào thì hương vị bát chè cũng không bao giờ bị loãng, vẫn cứ đặc quánh, thơm mát.

Đặc biệt là phần đậu xanh đặc quánh.
Chè đậu xanh ở đây trông khá ngon mắt.
Dù cho có bỏ thật nhiều đá thì cũng không bao giờ bị loãng.
2. Chè sầu riêng

Chè sầu riêng có vẻ đơn điệu hơn. Chỉ gồm một lớp chè mềm mềm, đông đông như thạch, màu vàng thơm thơm vị sầu riêng, kết hợp cùng nước cốt dừa béo ngậy. Loại chè này ăn rất mát, tan nhanh trong miệng, với những người hảo ngọt, khoái sầu riêng thì thưởng thức một lần là thích mê liền, và chỉ xì xụp 1-2 phút thì hết veo bát chè ngay.

Tuy nhiên xin lưu ý, đừng vội "tham lam", ăn nhanh rồi gọi thêm ngay bát chè sầu riêng nữa. Món này đúng là lôi cuốn nhưng chỉ nên dừng lại ở ngưỡng "ăn hương, ăn hoa". Vì nếu "đả" thêm chén nữa thì nước cốt dừa cộng với sầu riêng rất dễ khiến bạn nhanh ớn và chẳng còn bụng dạ muốn thưởng thức thêm bất kì món nào.

Chè sầu riêng trông không hấp dẫn như chè đậu xanh...
Nhưng sẽ là khoái khẩu của những người thích ăn sầu riêng và hảo ngọt.
3. Chè rong biển

Có lẽ ở Hà Nội vẫn chưa nơi nào bán món chè độc đáo này. Chè rong biển vốn có tác dụng giải nhiệt và rất hợp gu với những người ưa cái vị ngọt thoang thoảng, thanh mát.

Chè rong biển ở đây được nấu sanh sánh, có vị ngọt rất nhẹ, đã mát sẵn nên khi ăn bạn chỉ cần bỏ thêm một chút xíu đá. Ngoài lớp nước cốt dừa phủ bên trên thì trong mỗi bát chè đều có thêm nhiều hạt đỗ đỏ bùi bùi, cùng những miếng rong biển sần sật, dai dai, hay hay. Những hôm nóng nực, chọn món chè rong biển là thích hợp nhất, vừa lạ miệng, vừa dễ chịu, lại đỡ hanh háo.


Những miếng rong biển dai dai, sần sật.
Giá các loại chè ở đây "đồng hạng" 15.000 đồng/bát. Có vẻ về khoản này thì tiệm chè Chợ Gạo không "cạnh tranh" được với chè Đào Duy Từ (chỉ với mức giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/bát). Tuy nhiên, bỏ ra thêm "vài k" để thay đổi khẩu vị thì cũng không phải quá lãng phí, xa xỉ.


Theo Zing