Thursday, May 31, 2012

Lễ Thành hôn Hương Hiệp

Lễ thành hôn Hương Hiệp vào buổi trưa ngày 11/03/2012 (ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thìn) tại nhà hàng Hoàng Gia, tầng 2, số 10A Phạm Ngọc Thạch.

Nhân buổi lễ, gia đình hai bên đã vinh hạnh được đón tiếp bà con họ hàng, xóm giềng, bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp, ... Tất cả đã đến chúc mừng hạnh phúc cho hai cháu, cho gia đình.

Đôi khi cũng có phần hình thức, nhưng trên tất thảy là sự vui mừng vì hạnh phúc dài lâu của hai cháu.

Chỉ có thể là cảm ơn. Và cả những bức ảnh đẹp...

Chụp ảnh nên lưu ý

(Thường thức về chụp ảnh)

Chụp ảnh với máy kỹ thuật số (máy ảnh du lịch) giờ không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, vẫn còn một số người, do không chú ý nên gặp phải những lỗi rất ngớ ngẩn. Sau một hồi dàn dựng, người cầm máy ảnh đã chụp, nhưng khi về nhà xem lại, thì kết quả quá ôi. Mất đi một cơ hội lưu lại thời khắc đáng giá mà nhiều người đều hy vọng.

Vậy xin nôm na lưu tâm mấy điểm sau:

  1. Cầm máy ảnh:
Máy ảnh ngày nay nhỏ nhẹ thường không đủ chỗ cho những ngón tay hộ pháp. Toàn bộ thân máy dành cho cái màn hình LCD, càng lớn càng tốt (theo quan điểm nhà sản xuất). Vậy khi cầm máy ảnh nên lưu ý:
Cánh đồng chăn bò quê tôi
  • Ống kính chụp: Hãy chọn chỗ đặt ngón tay sao cho không động tới khu vực ống kính. Nếu bạn chạm vào đó, ngay khi bạn bật nguồn, ống kính sẽ thò ra, và nó bị ngón tay bạn thô bạo giữ lại. Máy ảnh có thể hỏng ngay tức thì, trước khi bạn nhận ra điều gì đó. Không giống như máy ảnh cơ, toàn bộ quá trình điều khiển tiêu cự của máy số là tự động. Vì vậy, bạn đã ép máy không được quyền thực thi khi sờ ngón tay vào ống kính. Chẳng mấy chốc, máy sẽ liệt.
  • Các nút bấm điều chỉnh nhanh: Vô tình chạm ngón tay vào nút nào đó có trên thân máy, cũng là vô tình đưa máy vào một chế độ khác với ban đầu. Rất có thể bạn sẽ nhận được một bức ảnh tồi khi không mong muốn. Ví dụ: chụp ảnh đám đông mà máy lại để chế độ Macro chẳng hạn.
  •  Đèn Flash: Do diện tích hạn hẹp, nên nhiều khi không nhận ra đèn Flash đặt ở đâu. Có bạn dùng cả ngón tay bịt chặt đèn Flash làm cho ánh sáng không đến được vật thể cần chụp. Cũng có loại máy ảnh đèn Flash bật lên như cửa sổ mở ra, nếu bạn vô ý đè ngón tay vào đó thì cửa không bật lên được. Sau vài lần, đèn sẽ tịt luôn, không hoạt động nữa.
Tóm lại, các máy thường thiết kế cho người thuận tay phải và bao giờ cũng có chỗ cho việc giữ máy bằng ngón tay cái và ngón giữa. Ngón trỏ là để bấm nút chụp. Còn tay trái, bạn chỉ nên đỡ bên dưới đế máy bằng mu bàn tay, hoặc bằng cả mấy ngón tay chụm lại.

  1. Bấm máy:


Nhiều người cho rằng bấm máy thì có gì mà phải học. Máy tự động hết. Hoàn toàn không phải vậy. Mọi công việc của một quy trình tự động đều cần phải được ra lệnh và phải có thời gian thực hiện cho quá trình đó. Nếu ra lệnh mà không để thời gian cho nó thực hiện thì cũng khó mà hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Bạn đang là người chỉ huy, bạn hãy biết thông cảm với người thừa hành mệnh lệnh của bạn.
Đền Cổ Loa, Hồ nước trước cổng đền
  •  Nhấn cái rụp: Để chụp vật thể, máy bao giờ cũng phải lấy tiêu cự cho phù hợp. Đó chính là việc thò ra, thụt vào của ống kính. Máy làm việc đó khi bạn xác định cho nó vật thể cần chụp và ra lệnh cho nó lấy tiêu cự. Xác định vật thể chính là việc bạn hướng ống kính ngắm vào đâu. Còn ra lệnh, đó là việc bạn nhấn nấc 1 của nút chụp.
  • Nút chụp bao giờ cũng có hai nấc nhấn. Nấc nhấn thứ nhất là để ra lệnh cho máy hãy lấy tiêu cự cho vật thể mà ống kính hướng tới. Nấc thứ hai mới là ra lệnh cho máy chụp lại hình vật thể đó.
  • Nhiều bạn để ngón tay trỏ thật xa nút chụp rồi thẳng cánh nhấn bụp một nhát. Như vậy, bức ảnh sẽ không nét. Và khi bạn giáng ngón tay xuống sẽ làm rung máy, bức ảnh không những không nét và lại còn loè loẹt.
  • Hãy để ngón tay trỏ trên nút chụp. Sau khi xác định hướng của ống kính xong, hãy nhấn mức 1 và dành cho máy 1..2 giây để lấy tiêu cự, sau đó mới nhấn mức 2 để chụp.
  • Thay đổi hướng ống kính: Công việc của máy là tự động lấy các tham số cần thiết để cho ra một bức ảnh tốt nhất trong điều kiện vật thể chụp đã xác định. Nếu bạn thay đổi vật thể chụp, thì hãy lệnh cho máy làm lại quy trình lấy tham số tự động đó.
  • Nhiều bạn hướng ống kính về cái cây, nhấn nút chụp ở mức 1, rồi sau đó lại chuyển nhanh ống kính sang cô gái và nhấn mức 2. Vậy là, các tham số thì dành cho cái cây, nhưng lại được áp dụng cho cô gái...
  • Vậy, hãy xác định vật thể cần chụp trước rồi nhấn nút chụp ở mức 1 cho máy tự động xác định thông số, rồi mới nhấn mức 2. Trong trường hợp thay đổi vật thể chụp, thì hãy nhả nút chụp và nhấn mức 1 lại trước khi nhấn mức 2.
  • Nhấn nút chụp liên tục: Vẫn là vấn đề thời gian dành cho người thực hiện. Bạn dàn cảnh đông người, và để chắc ăn, bạn chụp liền 2..3 bức. Thế nhưng người đứng cho bạn lại xuốt ruột, thế là bạn bấm luôn vài phát nữa. Xin bạn hãy chờ cho vài giây, để máy ghi lại bức hình đã chụp, hoàn thiện xong công việc của máy. Nhất là trong trường hợp cần phải sáng đèn Flash, máy cần có thời gian để nạp điện từ pin vào tụ điện. Nạp đầy thì mới có cái mà phóng ra theo lệnh của bạn. Thường các máy có đèn LED xanh để báo máy đã sẵn sàng cho lần chụp mới. Bạn nên lưu tâm!
  1. Dùng đèn Flash:
Đèn Flash dùng để hỗ trợ cho việc cung cấp ánh sáng chiếu tới vật thể chụp. Khi người chỉ huy ra lệnh dùng đèn Flash chiếu bù, thì máy cũng sẽ thiết lập các thông số cho phù hợp với lệnh đã nhận được.
Cầu Lanc Hid Budapest
  • Chụp cảnh ban đêm: Đèn Flash đi liền máy thường chỉ có khả năng chiếu sáng tới vật thể cách nó khoảng hơn 1 mét. Chả nhằm nhò gì khi bạn muốn chụp cảnh một gian phòng trong buổi nhậu. Nếu bạn cho máy biết rằng tao dùng đèn, máy sẽ điều chỉnh tham số phù hợp với việc dùng đèn. Đúng thôi. Trong khi đèn chỉ chiếu tới 2 mét, vậy các cảnh đằng sau thì thế nào?
  • Trong trường hợp này, bạn hãy cấm máy dùng đèn Flash. Khi đó, máy sẽ tự động xác định các tham số phù hợp với cảnh vật có ánh sáng yếu. Bức ảnh tuy không rực rỡ, nhưng có chiều sâu. Sau đó, với kỹ thuật PhotoShop, bạn có thể thu được một bức ảnh sáng sủa, có chiều sâu, toàn cảnh.
  • Chụp ban ngày ngược sáng mặt trời: Chắc hẳn ai cũng hiểu nguyên lý hoạt động của quá trình chụp ảnh. Đó là tiếp nhận ánh sáng phản chiếu lại từ vật thể, ghi nhận lại nó. Chụp ngược sáng nghĩa là ánh sáng phát ra từ vật thể yếu ớt hơn nhiều so với ánh sáng từ ông mặt trời chiếu thẳng vào ống kính.
  • Bạn có thể bù lại trong trường hợp này bằng cách cho phép đèn Flash phát sáng. Ánh sáng của đèn Flash sẽ át ánh sáng mặt trời, tạo nên tỷ lệ trội hơn cho ống kính đối với vật thể cần chụp.
Gian hàng giới thiệu đồ gốm Việt nam của VietHaus tại Berlint
Bạn thấy nhiều người dùng đèn Flash giữa ban ngày là vậy.


Tuesday, May 29, 2012

Quy tắc một phần ba trong kỹ thuật chụp ảnh

Quy tắc 1/3 là một quy tắc cực kỳ cơ bản, nó là dạng bố cục được nhiều họa sĩ và nhiếp ảnh gia lựa chọn. Quy tắc 1/3 là cách bạn chia bức ảnh làm 3 phần đối với hai chiều ngang và dọc, sau đó ngắm chụp sao cho đối tượng chính nằm trong 1/3 của ảnh.
Với những người chuyên nghiệp việc lựa bố cục đã thành thói quen, còn nếu bạn bỡ ngỡ thì việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn có bức ảnh ưng ý.
Ngay cả khi bức ảnh là ảnh chân dung thì bạn cũng đừng quên quy tắc này. Nếu bạn say sưa chụp mà quên mất việc lựa chọn một bố cục thích hợp thì hãy để …Photoshop làm việc này.
Cuối cùng thì mọi cái đều phải thành quen. Quen chụp bố cục theo đúng quy tắc, và quen nhìn theo quy tắc. Chính vì vậy, những bức hình tuân thủ đúng quy tắc bố cục 1/3 thường đem đến cho người xem nhiều "cảm tình" hơn.


Friday, May 25, 2012

Về vấn đề Bù giá trong phần mềm ComMan

Vấn đề Bù Giá được mô tả như sau: Hàng nhập về có Giá Nhập, sau khi phân bổ thuế và các chi phí đã phát sinh, Hàng sẽ có Giá Vốn. Giá vốn này chi phối Giá BQGQ trong tính hàng tồn kho, tỷ lệ chênh lệch bán hàng và Giá Bán Quy định... Tuy nhiên, có những vấn đề nào đó xẩy ra trong quá trình kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm, và để giải quyết, giữa nhà cung cấp và nhà nhập khẩu có một thoả thuận Bù Giá cho một vài mặt hàng, trong lô hàng đã nhập. Việc Bù Giá sẽ phải cập nhật vào ComMan và bù trừ vào Giá Vốn. Nếu Bù Giá là dương thì Giá Vốn được cộng vào, nếu là âm thì trừ đi.

Để giải quyết vấn đề này, ComMan sẽ xử lý như sau (từ phiên bản 04/04/2012 trở đi):

1. Cùng với việc cập nhật Thuế, Chi phí nay bổ sung thêm nút bấm cập nhật Bù Giá.

Màn hình phiếu Nhập gọi cập nhật Thuế, Chi phí, Bù Giá... để tính Giá Vốn

2. Form Cập nhật Bù Giá chỉ cho phép duy nhất việc cập nhật Bù Giá, các thông số khác bị cấm thay đổi. Trong trường hợp Quyền 3J-Sửa = False thì cột Bù Giá cũng chỉ được xem chứ không thay đổi được.

Nên nhớ, Form CẬP NHẬT BÙ GIÁ không có chức năng ghi riêng, mà mọi số liệu có trong cột Bù Giá sẽ tự động, mặc nhiên ghi lại ngay sau khi gõ xong con số. Vì vậy, người dùng cần lưu ý kiểm tra lại các con số trước khi nhấn Close!

Form Cập nhật Bù Giá cho Phiếu Nhập để tính Giá Vốn.

3. Quy trình tính Giá Vốn được thay đổi sao cho kết quả Giá Vốn đã phân bổ Thuế và các Chi phí nay cộng thêm hoặc trừ đi Bù Giá. Sau khi tính xong, Giá Vốn mới được lưu lại phục vụ cho các tính toán sau.

4. Report: Bảng kê: CHI PHÍ TÍNH GIÁ VỐN NHẬP giờ bổ sung thêm cột Bù Giá tại bảng đầu tiên. Mọi phần khác vẫn giữ nguyên như cũ.

Report thống kê Thuế, Chi phí, Bù Giá... và Giá Mua, Giá Vốn.

5. Về Quyền:
  • Nếu User có quyền 3J-Xem = True không thôi thì người đó chỉ được thống kê các phiếu nhập rồi kích đúp gọi phiếu, xem giá vốn đã tính, được xem bảng Thuế, Chi phí và Bù Giá nhưng không được thay đổi chúng, không được nhấn để tính lại Giá Vốn.
  • Còn nếu 3J-Sửa = True thì người đó được quyền sửa các thông số về Thuế, các Chi phí, và Bù Giá, được nhấn Tính Giá Vốn theo các thông số mới.
  • Người không có quyền 3J hoàn toàn không được biết gì về các khoản Thuế, Chi phí, Bù giá và cuối cùng là Giá Vốn.


6. Về chuyển giao: Phiên bản này cần chuyển giao cùng file Data.

Thursday, May 24, 2012

Các loại Giá trong phần mềm ComMan

Chúng tôi xin trình bày và kèm theo các ví dụ dưới đây để đảm bảo không nhầm lẫn trong cách hiểu các loại Giá trong phần mềm ComMan.

1. Giá Mua của một mặt hàng là Đơn giá ghi trong Phiếu Nhập hàng.

Dưới đây là hình ảnh của 1 phiếu Nhập hàng và Giá ghi trong cột Đơn giá chính là Giá Mua.



2. Giá Vốn của một mặt hàng là đơn giá được tính trên cơ sở Giá Mua + Các loại Chi phí đã phân bổ (chi phí vận chuyển, chi phí đặt hàng, chi phí kho bãi, chi phí vận chuyển, chi phí thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...) + Các bù trừ giá nếu có đối với từng mặt hàng.

Giá vốn sẽ được tính trên cơ sở cập nhật các bảng chi phí nói trên thông qua nút bấm THỐNG KÊ – GIÁ VỐN NHẬP, hoặc Menu 3.J. Thống kê - Cập nhật Giá vốn. Đầu tiên sẽ là thống kê các phiếu nhập mua hàng N1. Kích đúp vào phiếu sẽ hiện chi tiết phiếu nhập và các nút chức năng: THUẾ, CHI PHÍ, GIÁ VỐN, IN.

Trong hình sau đây Giá Vốn đã được tính và ghi vào cột bên cạnh Đơn giá Mua.



Giá Vốn sẽ thay đổi nếu ta cập nhật thay đổi các số liệu về THUẾ



Hoặc thay đổi các số liệu về chi phí



Sau khi các số liệu mới về Thuế và Chi phí đã được Save lại, cuối cùng ta nhấn vào nút bấm GIÁ VỐN để chương trình tính và phân bổ lại Giá Vốn cho từng mặt hàng. Giá Vốn mới sẽ được ghi lại vào cột Giá Vốn của Phiếu Nhập.

Ta cũng có thể nhấn IN để in ra giấy toàn bộ các bảng chi phí và kết quả tính Giá Vốn của phiếu Nhập liên quan.



3. Giá Bán của một mặt hàng là Đơn giá ghi trong Phiếu xuất kho.



4. Giá Bán Quy Định là Giá Bán của từng mặt hàng được người có trách nhiệm quy định trong từng thời điểm, đối với từng trường hợp.

Giá Bán QĐ sẽ được hiện lên trong bảng lược khi lập phiếu xuất hàng. Ví dụ sau đây cho thấy nhân viên kinh doanh có thể thấy mặt hàng MF4056/F Hạt màu cam hiện còn trong kho H2 là 245Kg, Giá Bán QĐ trong trường hợp 1 là 107.812đ/Kg, trường hợp 2 là 109.636đ/Kg và trường hợp 3 là 111.460đ/Kg. Còn trường hợp 1, 2, 3 là gì thì theo quy định trong công ty mà mọi nhân viên đều biết.



Giá Bán QĐ do người có trách nhiệm cập nhật mới hoặc sửa đổi trong khi cập nhật từng Danh mục mặt hàng, hoặc qua menu 3.L. Thống kê và cập nhật Giá bán.



Như vậy, hoàn toàn có thể quy trách nhiệm cho người bán hàng khi để Giá Bán khác so với Giá Bán Quy Định. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả thì người có trách nhiệm phải thường xuyên theo dõi và cập nhật Giá Bán Quy Định cho phù hợp với chủ trương của doanh nghiệp.

5. Giá Bình quân Gia quyền (Giá BQGQ) được dùng để tính giá trị hàng tồn kho của từng Kho hàng. Giá BQGQ được tính luỹ kế cho từng mặt hàng theo công thức sau:

Nếu là phiếu Nhập thì: GiaBQGQ mới = (SLTon * GiaBQGQ cũ + !SLNhap * !GiaVon)) / (SLTon + !SLNhap)

Lưu ý: Trong trường hợp Nhập hàng nhưng không có chi phí (không tính Giá Vốn cho phiếu Nhập đó) thì ComMan sẽ lấy Giá Mua thay thế cho Giá Vốn.

Giá BQGQ rất phụ thuộc vào tiến độ Nhập - Xuất kho hàng vì vậy có thể cùng là một mặt hàng nhưng ở kho này Giá BQGQ khác so với ở kho khác, hoặc khi tính tổng hợp mà không chọn kho nào thì Giá BQGQ cũng cho kết quả khác
.

Wednesday, May 23, 2012

Module quản lý Vốn vay (Phần 3.)

Ở phần 1 & 2 của bài viết hướng dẫn chúng ta đã có một cách tiếp cận tới các phiếu Thu Chi bắt đầu từ Hợp đồng Tín dụng. Chúng ta cũng có thể tiếp cận tới các phiếu Thu Chi bắt đầu từ GIẤY NHẬN NỢ.

Để thống kê, chọn lọc các GIẤY NHẬN NỢ đã có, ta dùng Menu 7C. hoặc nút THỐNG KÊ GIẤY GHI NHẬN NỢ.



Chỉ có điều, từ đây, không thể sửa được GIẤY NHẬN NỢ nếu cần.



Tuy nhiên, vẫn có thể cập nhật phiếu Thu Chi, hoặc TỔNG HỢP THU CHI nếu có quyền.

TỔNG HỢP TOÀN BỘ TÌNH HÌNH VAY VỐN

Chức năng tiếp theo của Module quản lý Vốn vay là tổng hợp toàn bộ tình hình vay vốn của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nào đấy, hoặc đối với một Ngân hàng hay một đối tượng cho vay nào đấy, hoặc với chỉ một Hợp đồng Tín dụng nào đấy.

Để tổng hợp, dùng Menu 7D. hoặc nút TỔNG HỢP TÌNH HÌNH VAY NỢ.



Sau khi cập nhật các điều kiện lọc, nhấn “In” chương trình sẽ tổng hợp và cho ra một Report với đầy đủ thông tin từ Hợp đồng Tín dụng, GIẤY NHẬN NỢ, Thu Chi, Tồn nợ Gốc, Tồn nợ Lãi.



Về việc Huỷ phát sinh:

Hợp đồng Tín dụng, GIẤY NHẬN NỢ và Phiếu Thu Chi sau khi đã cập nhật vào ComMan, người dùng đều không thể xoá khỏi CSDL được, mà chỉ có thể Huỷ.

Về nguyên tắc, không thể Huỷ một GIẤY NHẬN NỢ khi vẫn còn các phiếu Thu Chi liên quan tới nó chưa bị Huỷ.

Không thể Huỷ một Hợp đồng tín dụng mà vẫn còn GIẤY NHẬN NỢ chưa bị Huỷ.

Tóm lại, khi cập nhật mới thì bắt đầu từ Hợp đồng Tín dụng. Còn khi Huỷ thì bắt đầu từ phiếu Thu Chi.

Quyền người dùng:

Nói chung, liên quan đến những số liệu Vay vốn, chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp và kế toán. Và quyền trong Module này chỉ có 2 loại: được xem không thôi và được cập nhật mới, sửa, huỷ.

Người được xem thì được xem tất cả những gì liên quan tới Vay vốn. Người được sửa thì được sửa tất cả.

Các quyền liên quan là: 7A., 7B., 7C., và 7D.

Xem thêm:

Module quản lý Vốn vay (Phần 2.)

Lựa chọn từng GIẤY NHẬN NỢ, ta có thể thống kê, sửa, huỷ và nhập mới các phiếu Thu, Chi cho GIẤY NHẬN NỢ đã chọn.

Hình sau đây là ví dụ cho việc thể hiện, sửa, huỷ, nhập mới, in phiếu Thu Chi liên quan tới GIẤY NHẬN NỢ.



Bản in của chính phiếu thu đã bị huỷ ở hình trên:

Theo như đã thống nhất, thì với một GIẤY NHẬN NỢ, phiếu Thu đi liền với nó là phiếu Thu T2. Phiếu này có các thông tin sau luôn được xác định từ trước, không thể thay đổi được:
  • Loại phiếu là T2;
  • Đơn vị Giao tiền là Đối tượng cho vay đã được xác định từ khi ký Hợp đồng Tín dụng;
  • Ngày thu được xác định là ngày của GIẤY NHẬN NỢ;
  • Số tiền chính bằng số tiền ghi trong GIẤY NHẬN NỢ;
  • Về khoản thì được ghi chú là thuộc GIẤY NHẬN NỢ số nào. Người nhập hoàn toàn có thể thêm bớt, thay đổi thông tin này.
Qua đây có thể đặt câu hỏi: mỗi GIẤY NHẬN NỢ chỉ có duy nhất một phiếu Thu T2 với số tiền trùng nhau. Vậy sao tại form cập nhật phiếu Thu vẫn có nhiều phiếu được liệt kê phía dưới? Câu trả lời là trong số đó chỉ có 1 phiếu có hiệu lực, còn các phiếu khác đã bị huỷ. Muốn khai một phiếu mới thì phải huỷ phiếu hiệu lực đã có. Nếu không, khi tổng số tiền giữa T2 và GIẤY NHẬN NỢ khác nhau, chương trình sẽ không cho Save.

Với phiếu Chi thì khác. Người cập nhật có thể lựa chọn Loại chi C2 (trả Gốc) và chi C5 (trả Lãi). Số tiền, số phiếu (số lần chi trả) là hoàn toàn tuỳ ý, chương trình không khống chế.

Quay lại với GIẤY NHẬN NỢ. Ta thấy từ đây có thể TỔNG HỢP THU CHI liên quan tới GIẤY NHẬN NỢ.



Hình trên cho thấy các phát sinh T2 (Thu tiền Vay về Quỹ), C2 (Chi trả Gốc) và C5 (Chi trả Lãi). Ngoài ra chương trình còn tính số dư tồn Gốc và số dư Tồn Lãi phải trả trong các thời điểm có phát sinh, cộng thêm Từ ngày, Đến ngày và Hạn Quyết toán của GIẤY NHẬN NỢ. Bản in của phần Tổng hợp này cho ta cái nhìn toàn cảnh về khoản vay này.



Việc tính Lãi phải trả Từ ngày .. Đến ngày cho ta con số về khoản Lãi phải trả cho đối tượng cho vay trong khoảng thời gian. Và nếu nhấn vào nút “Lập phiếu CHI C5” thì ta sẽ có thể cập nhật mới một phiếu chi C5 với hầu hết các thông tin, dữ kiện đã được xác định.

Trong ví dụ trên là lập phiếu chi C5, trả lãi cho khoản vay 2 tỷ từ ngày 1/3/2012 đến ngày 1/5/2012 với số tiền đã được tính luỹ tiến (bao hàm cả việc đã có phát sinh trả Lãi đầu kỳ và trả Gốc trong kỳ...).



Tóm lại:

Cho đến đây, xuất phát từ Hợp đồng Tín dụng, chương trình đã thiết lập các phương tiện để cập nhật mới, sửa chữa, huỷ: GIẤY NHẬN NỢ, phiếu Thu tiền vay, phiếu trả tiền Gốc và phiếu trả tiền Lãi.

Ngoài ra, chương trình cũng đã cung cấp công cụ cho việc tổng hợp đối với từng khoản vay. Và trong từng trường hợp là những công cụ thống kê, tính sẵn, ghi sẵn các thông tin liên quan.

Xem thêm:

Module quản lý Vốn vay (Phần 1.)

Việc vay vốn từ các Ngân hàng hoặc các cá nhân, tổ chức có tiền nhàn rỗi để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình vốn là một hoạt động thường xuyên, liên tục của bất cứ doanh nghiệp nào. Hoạt động này -tất nhiên- cần được quản lý một cách chặt chẽ giống như các hoạt động xuất nhập, thu chi khác…

Vốn vay cũng là một nguồn lực của doanh nghiệp. Quản lý tốt mọi nguồn lực sẽ đem lại sức mạnh cho doanh nghiệp.

Module quản lý vốn vay được phát triển trên ComMan kể từ phiên bản 05/05/2012 đã được thiết kế để thực hiện việc quản lý cả hoạt động Vay và Cho Vay. Tuy nhiên, ban đầu, mới chỉ được hoàn thiện với các tính toán trong trường hợp Vay.

Hoạt động quản lý Vay vốn bắt đầu từ Hợp Đồng Tín dụng, Giấy Nhận nợ, Phiếu thu tiền về Quỹ T2, Phiếu chi trả tiền Gốc C2, và phiếu chi trả tiền lãi C5.
Hình sau đây minh hoạ một Hợp Đồng Tín dụng đã được nhập mới vào CSDL thông qua Menu 7A. hoặc nút “NHẬP MỚI HĐTD” trên màn hình chính.

Hình 1. Form nhập mới Hợp đồng Tín dụng
 Lưu ý:
  • Lãi suất cần gõ con số và được hiểu là phần trăm;
  • Bên cạnh Lãi suất luôn phải chọn hoặc Năm, Quý, Tháng hoặc Ngày;
  • Theo thống nhất thì với tiền vay là tiền Việt thì phải chọn đồng ngoại tệ là VND và gõ lại số tiền với tỷ giá = 1.
  • Phần “các thông tin khác” chỉ là phần text ghi chú, không có giá trị tính toán.
  • Chỉ cho phép Save and Close khi Hợp đồng đã đủ dữ kiện.
Hợp đồng Tín dụng đã cập nhật có thể tìm đến để xem, sửa, hoặc cập nhật tiếp các dữ liệu thông qua Menu 7B. hoặc nút “THỐNG KÊ HĐTD”.

Hình 2. Tìm kiếm, thống kê các Hợp đồng tín dụng
Kích đúp vào từng record để hiện Hơp đồng Tín dụng. Tuỳ theo quyền hạn, có thể sửa, huỷ Hợp đồng hoặc cập nhật mới GIẤY NHẬN NỢ cho Hợp đồng Tín dụng đó.

Hình 3. Sửa các thông tin, đánh dấu hủy, hết hiệu lực, hoặc cập nhật tiếp Giấy ghi nhận nợ
Một Hợp đồng Tín dụng có thể có nhiều GIẤY NHẬN NỢ. Khi hiện Hợp đồng Tín dụng và nhấn vào nút “Giấy Nhận Nợ” sẽ gọi Form thống kê các GIẤY NHẬN NỢ đã có, sửa, huỷ và nhập mới GIẤY NHẬN NỢ cho Hợp đồng Tín dụng tương ứng.

Hình 4. Cập nhật mới, thống kê, sửa chữa các Giấy ghi nhận nợ liên quan.
Hình trên cho thấy Hợp đồng Tín dụng liên quan hiện đã có 2 GIẤY NHẬN NỢ. Nếu muốn sửa thì phải kích đúp (gọi lên để sửa). Sửa xong phải nhấn vào nút “Save” để ghi lại.

Nếu muốn nhập mới, trước tiên phải nhấn vào nút “Mới” sau khi nhập đủ dữ kiện mới, phải nhấn “Save” để ghi lại. Ngay sau đó, ta sẽ thấy GIẤY NHẬN NỢ vừa nhập mới được thống kê ở bên dưới form.

Xem thêm: