Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) điều chỉnh chỉ tiêu đưa người ra nước ngoài làm việc xuống còn 90 nghìn người. Dịch Covid-19 đã tác động khá sâu sắc đến thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) toàn cầu, điều đó đòi hỏi Việt Nam cần có sự ứng phó chủ động hơn nữa.
Người lao động cần trau dồi thêm các kỹ năng mềm trong thời gian chờ đi lao động tại nước ngoài. |
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Bộ LĐ-TB&XH đã xác định, để đưa người ra ngoài nước làm việc ngay sau khi các nước kiểm soát được dịch bệnh hoặc kết thúc dịch bệnh, đòi hỏi các địa phương, công ty XKLĐ phải có sự chuẩn bị tích cực hơn nữa. Trong đó, cần chú ý tới chất lượng lao động và đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác mới để nâng cao thu nhập cho lực lượng đi làm việc ở nước ngoài. Các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực tập trung chuẩn bị cho các thị trường có thu nhập cao, ổn định với hai kịch bản ứng phó hai tình huống kiểm soát được dịch bệnh và chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Trước mắt, xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế; tiếp tục chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo trình Bộ LĐ-TB&XH, để trình Chính phủ ra Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được thông qua; đàm phán với phía Hàn Quốc về kế hoạch thi và chỉ tiêu tuyển chọn lao động đi làm việc năm 2021 theo chương trình EPS; cùng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) trao đổi và thống nhất với phía Đài Loan chuẩn bị tổ chức Hội nghị lao động chung lần thứ 6 tại Việt Nam, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.
Triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cơ quan Xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA) về phái cử và tiếp nhận lao động ngành hàn đóng tàu theo visa E-7. Hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo Thỏa thuận giữa các địa phương của hai nước. Ngoài ra, còn triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về đưa lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản và các bản ghi nhớ đã ký với các hiệp hội, nghiệp đoàn, các tỉnh của Nhật Bản, phối hợp Nhật Bản tổ chức các kỳ thi tiếng Nhật và tay nghề cho lao động. Phối hợp Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để xây dựng dự án kết nối người lao động Việt Nam và doanh nghiệp tuyển dụng.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: “Chúng ta cũng phối hợp Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động Việt Nam để thông tin, hướng dẫn kịp thời các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong điều kiện dịch bệnh chưa chấm dứt. Cần phải có những sự làm việc, chuẩn bị tạo nguồn tích cực như vậy để khi dịch bệnh được khống chế thì chúng ta chủ động trong XKLĐ, bởi nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển trên thế giới là rất lớn”.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý thêm, trong thời gian chờ đợi, những lao động chờ đi XKLĐ có thể tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc. Ngoài ra sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước nếu có nhu cầu.
0 comments:
Post a Comment
Hãy vui lòng gửi lại cho chúng tôi những ý kiến, quan điểm của bạn sau khi xem bài viết!
Xin hãy gõ chữ Việt có dấu!