Hoạt động Xuất khẩu lao động là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, sau ngành hàng không, khách sạn và du lịch. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang phải gồng mình để duy trì hoạt động vì doanh thu sụt giảm trầm trọng.
Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động phải đảm bảo phòng dịch cho người lao động. |
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động “lao đao” vì dịch Covid-19
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và Khai phát Nguồn nhân lực Futurelink cho biết, năm 2020, công ty của anh bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng, số lao động xuất cảnh giảm 40%, số lao động tuyển mới giảm 30%.
Năm 2021, với diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới vẫn còn phức tạp, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn chưa có triển vọng khả quan. Ông Tuấn hi vọng, hết năm 2021 hoạt động xuất khẩu lao động sẽ có thể hồi phục.
Theo đại diện của Công ty CP Đầu tư và Cung ứng Nhân lực Tràng An, năm 2020, công ty chỉ hoàn thành được 40% kế hoạch năm. Dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường đóng cửa, không nhận lao động, nhiều thị trường giảm nhận lao động do số lượng việc làm giảm. Để duy trì hoạt động, công ty phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, tiết kiệm triệt để chi phí.
Với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong năm 2021, vị đại diện này cho biết, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ở trong nước, dịch bệnh đã lan ra 10 tỉnh, thành, do đó công tác tuyển lao động mới không thể triển khai rộng rãi. Các thị trường lao động nước ngoài cũng hạn chế tiếp nhận lao động, hiện thị trường Nhật Bản đã dừng cung cấp visa cho lao động nước ngoài.
Cũng theo vị đại diện này, thị trường Nhật Bản không ổn định, lúc thì mở cửa cho phép tiếp nhận lao động, lúc lại dừng, căn cứ vào tình hình dịch bệnh nước họ và tình hình dịch bệnh ở nước cung ứng lao động. Hơn nữa, số lượng việc làm ở thị trường này cũng giảm đi nhiều.
Vị đại diện này đánh giá, thị trường ổn định nhất trong tình hình này là Đài Loan. Đài Loan vẫn duy trì tiếp nhận lao động nước ngoài, lao động phổ thông sang thị trường này làm việc có thể nhận mức thu nhập 18 triệu đồng trở lên, chưa tính tiền làm thêm. Ngoài ra, thị trường châu Âu vẫn tiếp nhận lao động, nhưng số lượng hạn chế.
Đảm bảo an toàn cho lao động xuất cảnh
Năm 2021, Bộ LĐ - TB&XH đưa ra mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Ông Đặng Sĩ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH) cho biết, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam về cơ bản đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để khởi động lại và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có việc tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài vào làm việc.
Để từng bước phục hồi lại hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình và trạng thái bình thường mới tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia tiếp nhận lao động, Bộ LĐ - TB&XH đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp. Theo đó, Bộ LĐ - TB&XH đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với thị trường tiếp nhận lao động không có chính sách hạn chế về việc xuất - nhập cảnh, tiếp nhận lao động nước ngoài, Bộ LĐ - TB&XH đề nghị các doanh nghiệp chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cở sở chính sách, quy định của nước sở tại để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Bảo đảm việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người lao động trong trường hợp nghi hoặc bị nhiễm dịch bệnh.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách người lao động được hưởng, trách nhiệm người lao động phải thực hiện liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận.
Thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp phải khám, chữa bệnh; giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đối với các công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; kết hợp đào tạo trực tuyến đối với lao động chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp./.
Trong năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo trình Bộ LĐ - TB&XH để trình Chính phủ ban hành nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đồng thời, cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước.
Việt Dũng
0 comments:
Post a Comment
Hãy vui lòng gửi lại cho chúng tôi những ý kiến, quan điểm của bạn sau khi xem bài viết!
Xin hãy gõ chữ Việt có dấu!